The story of the ruminative and philosophical Viet Cong spy who lived a double life in Los Angeles from Viet Thanh Nguyen’s Pulitzer Prize-winning novel, The Sympathizer (2015), continues in the long-awaited sequel, The Committed (2021). After a seemingly successful re-education, the unnamed protagonist, the “man of two faces and two minds,” starts his life anew in France where he quickly grows disenchanted by and entangled in new and unforeseen dangers, ideologies, addictions, and betrayals.
The Sympathizer and The Committed have not been explicitly banned in Vietnam, but Nguyen has faced significant hurdles trying to publish there. He says, “It’s clear to me that this is because of its depiction of the war and its aftermath.” For the first time, the conflicted, wry voice of Nguyen’s unnamed hero and his new adventures in the criminal underbelly of Parisian society is translated into Vietnamese at ZZZ Review.
The Committed tiếp nối câu chuyện kể dở trong The Sympathizer, khi nhân vật chính lên thuyền, nhưng không về Mỹ mà chuyển đường sang Pháp, đất nước nơi anh chưa từng đặt chân lên, quê hương của người cha linh mục mà anh cả đời không được thừa nhận. Cùng với Bốn, người bạn thiếu thời, anh lăn lộn trong thế giới ngầm Paris, cảm nhận một góc nhìn nhập cư rất khác với thế giới trí thức văn nghệ sĩ trong The Sympathizer, nhưng ngoài ra qua “người dì” theo đảng xã hội được Mẫn móc nối từ tập trước, anh cũng được quan sát từ ngoài rìa giới trí thức cấp tiến ở Pháp những năm 80. Giống như cuốn trước, The Committed là kết hợp những nghiên cứu dày công, sự hài hước sắc bén, cùng các phân tích xã hội, chính trị và lịch sử đã làm nên tên tuổi một Viet Thanh Nguyen – nhà nghiên cứu trước khi có một Viet Thanh Nguyen – tiểu thuyết gia. Đoạn trích dưới đây lấy từ chương 2 của cuốn tiểu thuyết. Xin trân trọng cảm ơn tác giả Viet Thanh Nguyen đã đồng ý cho chúng tôi đăng tải đoạn trích này for ZZZ Review.
CHƯƠNG 2 (trích)
Tôi lấy từ đáy giả của chiếc túi da bản thú tội và đưa cho bà, tất cả 367 trang đó. Bà chưa kịp xem trang đầu tiên thì đã có tiếng gõ cửa thông báo mấy vị khách đã đến, họ ăn mặc đẹp nhưng không trang trọng, khiến tôi nhận rõ hơn chiếc áo sơ mi trắng dài tay đơn điệu của mình, tay áo xắn lên cùi chỏ, chiếc quần đen tẻ nhạt, và đôi giày bụi bặm – bộ dạng khiến tôi trông như một gã bồi bàn, mà lúc này tôi đúng là vậy. Bọn họ cũng mặc áo sơ mi, quần dài, cũng có tay chân, có mắt như tôi. Nhưng dù chúng tôi cùng chung các yếu tố khiến chúng tôi thành người, thì bọn họ rõ ràng là miếng thịt đầu thăn nội, nướng tái và mặt ngoài sém vừa đúng điệu, còn tôi là món lòng luộc, hẳn là thứ lòng non. Nói cách khác, chúng tôi có họ hàng xa, nhưng sẽ chẳng ai nhầm chúng tôi vào nhau bao giờ. Nhìn từ xa cũng thấy rõ chất lượng hảo hạng loại vải cô-tông ở chiếc áo của họ, được dệt bởi lao động trẻ em ướt đẫm mồ hôi ở một đất nước tối tăm, nghèo khổ, nóng nực nào đó. Quần của họ thì vừa đến nỗi chẳng cần cài thêm dây lưng, còn quần tôi thùng thình đến mức phải quấn dây xác rắn gớm ghiếc, vốn được trại tị nạn cấp cho và hẳn là đồ quyên tặng của ai đó có vòng eo Mỹ điển hình dân vùng Texas hay Florida gì đó, tức là dài vừa đủ cho hai gã Việt Nam gầy hốc hác.
Quý ông đầu tiên, tóc đen rối xù điểm hoa râm, là một nhà phân tâm học. Quý ông kia, tóc bạc, chải chuốt óng mượt điểm những vệt đen, là một chính trị gia. Ông ta là một đảng viên đảng xã hội, một lý tưởng khả kính ở Pháp, và là một con người cực kỳ vui vẻ, vì đồng chí của ông ta vừa thắng cử tổng thống vào tuần trước. Ông chính trị gia nổi tiếng đến mức chỉ được giới thiệu bằng tên gọi tắt, ban đầu khiến tôi bối rối.
BHV hả? Tôi nói.
BFD, dì tôi nhắc lại.
BFD và nhà phân tâm học, cũng là một môn đệ của Mao, và đã lấy bằng tiến sĩ, nhìn tôi với vẻ tò mò sớm chuyển thành khinh miệt, điều mà người Pháp vốn thiếu khả năng che giấu, bởi họ coi đó là một phẩm hạnh. Dì tôi giới thiệu tôi là người tị nạn chạy khỏi cách mạng cộng sản ở quê hương tôi, và hai lão này là dân cánh tả mà trong mắt họ những nhà cách mạng Việt Nam là những kẻ man di cao quý thời hiện đại. Nếu tôi không phải kẻ man di cao quý loại này, thì hẳn tôi là kẻ man di hạ lưu, một tình thế còn tệ thêm bởi thực tế rằng tiếng Pháp nhà trường của tôi đã xơ cứng vì nhiều năm không dụng đến kể từ khi tôi rời trường trung học. Sau một vài vòng ngắc ngứ trò chuyện mà tôi nhanh chóng chứng tỏ rằng mình không thể bơi giữa vô số dòng chảy trí tuệ, văn hoá và chính trị của Paris hay nước Pháp hay người Pháp – chẳng hạn, tôi đã nhắc đến Sartre mà không biết rằng triết gia hiện sinh vĩ đại này đã chết hai năm trước – tiến sĩ môn đệ Mao, BFD và bà dì đã lờ tôi đi. Tôi ngồi vào một góc ghế bành trong tâm trạng bẽ bàng, cái khu vực tâm lý tôi vẫn thường ghé thăm, mà thường xuyên nhất là khi ai đó gọi tôi là con hoang. Tôi thường ứng phó với nó bằng một cơn cuồng nộ, một cái mặt nạ hữu dụng. Nhưng tôi không còn là bản thân mình, hay đúng hơn tôi vừa là tôi vừa là bản thân tôi, bởi cái đinh ốc gắn tôi đã lỏng lẻo ra, bởi đang tìm vui khuây khoả ở chai vang thứ nhất rồi đến thứ hai mà những vị khách mang đến, con tàu hàng chở những câu chuyện chạy vụt qua tôi chỉ để lại thoáng hình ảnh nhìn lướt qua cửa sổ. Hút thuốc của dì tôi, nhìn lên trần nhà, xuống thảm, rồi nhìn mũi giày bóng loáng của những kẻ kia, tôi biết mình không chỉ là một gã nhà quê mà còn là một thằng đần độn.
Khi dì tôi mời thuốc hasit, tôi đón nhận mà lòng nhẹ nhõm, không chắc liệu có cách nào thoát êm khỏi cuộc hẹn hò tay ba kia. Nhưng nhờ phép màu của hasit, tất cả cảm thấy hoàn toàn bình thường khi tới cuối buổi tối, tiến sĩ môn đệ Mao nói lời từ biệt, ngay cả với tôi, mà BFD vẫn ngồi lại. Dì tôi đóng cửa chào tiến sĩ môn đệ Mao, và nói, Một buổi tối tuyệt vời. Hẹn ngày mai…
Bà gật đầu ra hiệu với BFD, ông ta đứng lên, nghểnh đầu với tôi như thể nhạo báng, và đi theo bà vào phòng ngủ. Tôi có thể nghe tiếng họ cười đùa sau cánh cửa kia, chắc hẳn cười cợt tôi. Tôi cũng cười theo họ. Dù gì, tôi cũng là tên tị nạn, không phải nhà cách mạng, anh nhà quê vùng khỉ ho cò gáy, đứa cháu đầu đất xứ thuộc địa, thằng con hoang đần độn tỉnh lẻ và cả thẹn đến nỗi trong cơn phê thuốc hasit cũng thấy sốc rằng bà dì của mình đang làm tình với một chính trị gia, hay bất kỳ ai, cho dù có là đảng viên xã hội.
*
Tối hôm đó, một bài học như quả bom hẹn giờ cuối cùng cũng phát nổ trong đầu tôi, khi tôi nằm trên ghế xô pha. Tôi đang cố ngủ thì bỗng nhiên nhớ lại một ông thầy hồi học trung học, ông ta lấy bằng ở Paris những năm 1930. Lũ học trò chúng tôi tôn thờ ông ta và cũng ghen tị với ông. Quả đúng là tôn thờ và ghen tị lan tràn khắp xứ thuộc địa ẩm thấp của chúng tôi, như bất kỳ xứ thuộc địa nào. Những kẻ thực dân ngỡ mình là thần thánh, còn đám trung gian bản xứ phụng vụ cho họ, như ông thầy tôi, khoái coi mình là mục sư và tông đồ của các thần thánh đó. Không ngạc nhiên rằng những gã thực dân xem khinh chúng tôi là những kẻ man di, trẻ con, hay đàn chiên, còn chúng tôi xem trọng họ như á thần, ông chủ, hay dã thú. Dĩ nhiên, điều nguy hiểm khi tôn thờ con người, ấy là cuối cùng bọn họ vẫn lộ ra là những con người không hoàn thiện, tới lúc ấy những tín đồ không còn lựa chọn nào khác là phải giết những tượng thần sụp đổ với khả năng trả giá bằng cái chết.
Một số trong chúng tôi yêu người Pháp, những người bảo hộ chúng tôi, và một số ghét người Pháp, những kẻ thực dân cai trị chúng tôi, nhưng tất cả chúng tôi đều đã từng bị họ quyến rũ. Thật khó được ai đó yêu thương, như người Pháp tưởng tượng mối quan hệ của họ với chúng tôi, hay bị ai đó ngược đãi, dù người Pháp giả vờ không phải thế, mà không bị bàn tay người đó nhào nặn hay miệng lưỡi người đó chạm vào. Do vậy chúng tôi học văn chương và ngôn ngữ Pháp dưới sự chỉ dạy của ông thầy, người đã thực sự đặt chân lên xứ Gô-loa, miền đất của cha ông chúng tôi, với tư cách là một sinh viên nhận học bổng để đi hấp thu tinh tuý của văn hoá Pháp. Ông ta trở về với đám dân bản xứ tăm tối chúng tôi, đóng vai miếng bọt biển ướt sũng nước để ấp lên những cái đầu lỡ đâu đang sốt bỏng vì cách mạng.
A, Champs-Élysées, Miếng Bọt Biển ngâm nga. Ô, Tháp Eiffel!
Và chúng tôi tất cả ngất ngây, chỉ một chút, và mơ một ngày nào đó cả chúng tôi cũng lên con tàu hơi nước đến với chốn đô thành, hành lý mang theo chỉ là chiếc va-li, một suất học bổng, và phức cảm tự ti.
A, Voltaire! Miếng Bọt Biển ứa ra. Ô, Descartes! Ô, Rousseau!
Kỳ thực, chúng tôi sung sướng được đọc những đại tác gia này bằng nguyên bản tiếng Pháp trong các giờ học của Miếng Bọt Biển, và chúng tôi tin những điều Miếng Bọt Biển nói với chúng tôi, rằng đỉnh cao văn chương và triết học đều mang tính phổ quát, còn văn chương và triết học Pháp là đỉnh của đỉnh, và nhờ học văn chương và triết học và ngôn ngữ Pháp, một ngày nào đó chúng tôi cũng có thể trở thành người Pháp, mặc dù các bài học tác phẩm kinh điển kia bị rối rắm thêm trong bối cảnh một xứ thuộc địa. Từ Descartes, chẳng hạn, tôi học được rằng tôi tư duy nên tôi tồn tại! Nhưng tôi cũng học được rằng trong một thế giới phân chia thành thể xác và tinh thần, người Việt chúng tôi bị thể xác cai trị, và đó là lý do người Pháp có thể dùng tinh thần của họ để cai trị chúng tôi. Từ Voltaire, tôi học được rằng tốt nhất nên chăm lo khu vườn của mình, mà câu này có thể mang nhiều nghĩa, nhưng khi người Pháp dạy chúng tôi, nó mang nghĩa là hãy chỉ lo đến chuyện của mình và hạnh phúc với những khoảnh đất nhỏ mọn của mình, trong khi người Pháp chăm lo toàn bộ xứ thuộc địa của chúng tôi và giáng cho chúng tôi những nỗi kinh hoàng như kiểu Candide. Với Rousseau, có lẽ tôi học được nhiều nhất từ ông ấy, bởi khi tôi viết bản thú tội dưới sự hướng dẫn nặng tay của Mẫn trong trại cải tạo, đoạn mở đầu trong lời thú tội của Rousseau thoáng hiện về trong hồi ức:
Tôi trù tính một công việc không hề có kiểu mẫu, và sẽ chẳng ai bắt chước thực thi. Tôi muốn phô bày cùng đồng loại một con người hoàn toàn đúng với chân tướng; và con người ấy, sẽ là tôi đây. … Liệu tạo hóa làm đúng hay làm sai khi đập vỡ chiếc khuôn mà tạo hóa đã ném tôi vào, điều này mọi người chỉ có thể xét đoán sau khi đã đọc tôi.[1]
Cảm ơn ông, Jean-Jacques! Nhờ ông mà tôi có cảm hứng được chân thực với chính mình, vì, dù bản thân tôi là một thằng con hoang thối nát, tôi cũng không giống như thằng con hoang thối nát nào khác trong lịch sử, trước đây hay về sau này. Tôi đã học cách yêu việc thú tội và chưa bao giờ thôi thừa nhận những tội ác của mình, bạo lực, tra tấn, và phản bội, tất cả những tội ác đó những ông chủ người Pháp đã dạy chúng tôi thông qua bạo lực, tra tấn mà họ giáng xuống chúng tôi trong khi họ phản bội những lý tưởng của mình.
Những bài học rối rắm này chỉ củng cố thêm mỗi lần tôi rời khỏi mảnh đất thiêng là trường trung học và bước trên đường phố Sài Gòn với một cuốn sách tiếng Pháp kẹp dưới nách, nơi, thỉnh thoảng, tôi sẽ bị lăng mạ bằng ngôn ngữ của Dumas, hay Stendhal, hay Balzac. Bất kỳ người Pháp nào, dù đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ, giàu hay nghèo, đẹp hay xoàng, cũng có thể gọi chúng tôi là bất cứ cái gì mà họ muốn, và thỉnh thoảng họ đã gọi thế. Con hoang da vàng! Á châu mắt xếch! Những đôi môi tạo hình hoàn hảo nhất và hàm răng trắng nhất, được đưa đi trên những đôi giày lịch lãm hay thanh tú nhất, có thể phỉ nhổ những hạt giống này vào chúng tôi, những hạt đó bám rễ sinh sôi dưới lớp da ố màu, như đã xảy ra với Hồ Chí Minh, người đã viết không thể hay hơn về hình ảnh của chúng tôi, những người dân thuộc địa châu Phi và châu Á, trong mắt các ông chủ “chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên An-nam-mít bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta.”
Một số chúng tôi lờ đi những nhục mạ, chỉ muốn những ông chủ yêu thương chúng tôi.
Một số không thể quên được lời nhục mạ và muốn phanh thây các ông chủ.
Và một số – trên hết là tôi và bản thân tôi – cùng lúc vừa yêu vừa ghét ông chủ của mình.
Yêu một ông chủ thỉnh thoảng lại đá mình không phải là vấn đề nếu ta chỉ cảm thấy đúng một tình cảm ấy, nhưng vừa yêu vừa ghét thì phải được che giấu như một bí mật nhỏ nhoi bẩn thỉu, vì yêu một ông chủ mà mình ghét thì tất yếu dẫn đến lẫn lộn và ghét bỏ bản thân. Đó là lý do tôi không bao giờ lao mình toàn tâm vào học tiếng Pháp như tôi đã toàn ý học tiếng Anh, và là lý do kể từ khi rời trường phổ thông, tôi hầu như không bao giờ nói một từ tiếng Pháp. Tiếng Pháp là ngôn ngữ của kẻ nô dịch và hãm hiếp chúng tôi, trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ mới lạ, báo hiệu người Mỹ sẽ đến và chấm dứt cảnh sống đê hạ của chúng tôi dưới tay người Pháp. Tôi làm chủ tiếng Anh mà không thấy có gì mâu thuẫn vì nó chưa bao giờ làm chủ chúng tôi.
Giờ đây, cuối cùng cũng đến Paris, quê hương bản quán của cha tôi, ngồi chung với BFD đảng viên xã hội và tiến sĩ môn đệ Mao, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng người da trắng không chỉ nhìn thấy tôi là kẻ khác. Họ còn nghe thấy tôi là kẻ khác, vì khi tôi mở miệng và làm vỡ món đồ sứ mong manh đẹp đẽ là ngôn ngữ Pháp của họ, họ nghe thấy điều mà thi sĩ, thần đồng, kẻ bán súng, tên buôn nô lệ Rimbaud hẳn đã nghe rồi ăn cắp từ một nhà du hành vô danh châu Phi hay Á đông nào đó: Tôi là kẻ khác.
Không cần người Pháp phải kết án chúng tôi. Chừng nào chúng tôi còn nói ngôn ngữ của họ, chúng tôi đã tự kết án mình.
*
Tôi, kẻ khác, tỉnh giấc, nhưng vẫn dường như là tôi, hay kẻ khác, đang mơ, vì tôi nhìn thấy qua mắt mình, nhưng tôi cũng thấy tôi và bản thân tôi qua mắt dì tôi và BFD. Họ từ phòng ngủ bước ra, nhàu nhĩ nhưng thanh lịch, trong khi họ nhìn tôi chỉ thấy có nhàu nhĩ. BFD khoác lên mình chiếc áo choàng nhung màu xanh, như một võ sĩ trên sàn đấu sau trận thắng, bộ trang phục sau cuộc mây mưa mà bà dì dành để cho mọi vị khách dùng. Dì tôi mặc chiếc áo choàng sa tanh màu xám, đầu vấn chiếc khăn cũng sa tanh, một kiểu trang phục hẳn các ngôi sao màn bạc thời kỳ phim đen trắng thường mặc giữa hai cảnh diễn. Họ trò chuyện thân mật trong lúc hút thuốc và uống cà phê chồn trong khi lướt báo. BFD đã ngửi ngửi cà phê trước khi nhúng lưỡi vào rồi bật cười, khiến tôi tưởng tượng có thể bóp cổ ông ta. Đừng bao giờ nhạo báng đồ ăn thức uống của nền văn hoá khác; đó là tội đáng chết. Đang ủ rũ bên ly cà phê cùng bánh mỳ nướng, tôi hầu như không chú tâm đến cuộc trò chuyện của họ, ngoại trừ để ý thấy đề cập đến le haschisch và les boat-people.
Việc nhắc đến thuyền nhân là do một bài báo trên L’Humanité, lựa chọn hàng đầu của dì tôi (BFD thích Libération, nhưng tờ L’Humanité, ông ta bảo, cũng được). BFD đưa tờ báo lên và chỉ dòng đầu đề về les boat-people và bức ảnh một con tàu lưới rà lênh đênh trên biển, đồng bào tôi chen chúc trên đó như người ta chen nhau trên tàu điện ngầm giờ cao điểm. Nhưng người đi tàu chỉ chịu tình cảnh đó trong vài phút, còn đồng bào tôi chịu cảnh kia nhiều ngày nhiều tuần, hứng đủ nắng, gió, mưa, và cướp biển đều đặn dạo qua hớt lấy những món béo bở nhất trên tàu, và cá mập bơi theo, lựa xem hàng, lưu luyến nhìn những miếng thịt tươi ngon đang bày biện.
Thật buồn, BFD nói, thật rõ và rất to, môi ông ta động đậy như một cảnh quay chậm đến mức thái quá. Cả anh nữa. Thuyền nhân. Như họ. Rấấất buồồồn. Họ chẳng có gì cả. Chúng tôi có tất cả. Chúng tôi phải giúp họ. Chúng tôi phải giúp anh.
Ông ta chĩa ngón tay về phía tôi như thể lời nói không bày tỏ hết. Tôi cố nặn ra một nụ cười và nuốt vào lòng căm phẫn, nó mang vị máu – nghĩa là, không tệ như tưởng tượng đâu, bởi có nhiều người rõ ràng là thích món thịt tái còn ứa nước. Sức nóng lòng thương hại của ông ta mạnh đến mức nó không khiến tôi cảm thấy ấm. Thay vào đó, tôi sôi sùng sục, hơi nóng phì ra hai tai trong khi tôi phải ngậm chặt miệng sau một vài lời hoà hoãn đủ sức thốt ra. Sao tôi có thể nói rằng những người bị gọi là thuyền nhân đó đã tự cứu mình trước bằng cách lên những chiếc thuyền kia? Sao tôi có thể nói rằng tôi không chấp nhận bị gọi là “boat person,” một cụm từ có sức áp chế đến cả người Pháp bài Anh đến thế cũng vay mượn luôn để khoác vào mình thường xuyên, như un jean hay le week-end?
Tôi không phải thuyền nhân trừ phi những người Anh hành hương chạy trốn khỏi cuộc bức hại tôn giáo đã đến nước Mỹ trên con tàu Mayflower cũng là thuyền nhân. Nhưng người tị nạn đó chẳng qua may mắn vì những người bản địa sắp lâm vào bất hạnh không có máy ảnh để ghi lại họ, những kẻ bốc mùi, đói khát, râu ria, chấy rận. Ngược lại, nỗi đau của chúng tôi vĩnh viễn được lưu lại trên L’Humanité, nơi chúng tôi bị coi là thứ gì đó không phải người. Không, thuyền nhân không phải người, họ không được các hoạ sĩ lãng mạn lăng xê trên tranh dầu, đứng hiên ngang trên mũi con tàu sắp chìm, đương đầu với thiên nhiên khủng khiếp bằng phong thái cao quý của những anh hùng Hy Lạp, rồi đem thờ phụng trong bảo tàng Louvre để các du khách chiêm ngưỡng và các nhà lịch sử nghệ thuật nghiên cứu. Không, thuyền nhân là nạn nhân, là đối tượng thương hại bị vĩnh viễn đóng băng trên hình ảnh báo chí. Một phần trong tôi, đứa con của mẹ tôi, muốn lòng thương đó. Nhưng phần khác của tôi đã trưởng thành lại không muốn cũng như không xứng đáng với lòng thương xót, không muốn được gọi là nạn nhân và cũng không xứng đáng được coi là như vậy, sau tất cả những việc hay tôi đã làm và những việc xấu tôi đã phạm. Nếu cái giá của làm người là được nhận diện thông qua vẻ đáng thương, vậy thì dẹp tính người đi! Tôi là một thằng con hoang thối nát – hãy thừa nhận điều đó!
Nhưng tôi chỉ nói: Cảm ơn ông. Vâng, xin hãy giúp họ.
BFD đứng dậy định ra về, lòng mãn nguyện rằng ông ta không chỉ đặt tôi và đồng bào tôi vào đúng chỗ đáng thương xót của mình, mà còn bắt tôi nói cảm ơn vẻ hạ cố của ông ta. Tôi nhận ra rằng nếu tiếng Pháp của tôi vụng về, và tiếng Việt của tôi ông ta không hiểu được, thì tiếng Anh của tôi lại trôi chảy, và không điều gì có thể khiến một người Pháp cảm thấy thấp kém hơn, và vì thế mà giận dữ hơn, bằng việc phải nghe tiếng Anh. Trong một ngóc ngách nào đó của mỗi tâm hồn Pháp luôn có một người Mỹ rình rập, thỉnh thoảng lại khẽ ho hắng nhắc nhở người Pháp về lịch sử chung giữa hai nước, bắt đầu từ việc người Pháp giúp những người Mỹ mới phất đáng thương trong cuộc kháng chiến chống quân Anh, rồi lại thấy mình cần sự giúp đỡ của chính đám người Mỹ này hai lần trong các cuộc Chiến tranh Thế giới. Và cuối cùng là “Indochina” tức Đông Dương, bất kể từ đó có nghĩa là gì, vì chúng tôi không phải người Ấn cũng không phải Hoa. Chính cái xứ Đông Dương kỳ thú này đã được người Pháp kiệt quệ sang tay cho người Mỹ giờ đã thành ra rất to mồm. Hẳn phải đau đớn làm sao khi bị nhắc nhớ đến sự suy tàn của đế chế mình bằng việc đối mặt với sự trỗi dậy của một đế chế mới! Ồ, vâng, tiếng Anh trong trường hợp này là một lời nhục mạ và một lời thách thức, đặc biệt là từ một kẻ như tôi, kẻ còn không phải người Mỹ mà là dân “Đông Dương.”
Vậy là, bằng thứ tiếng Anh Mỹ hoàn hảo, tôi nói, Có phải tôi nghe ông nói hasit không nhỉ? Bởi tôi tình cờ có một chút, lại còn thuộc loại hảo hạng.
BFD dè dặt, ngạc nhiên trước con vẹt da vàng này. Gã đảng viên xã hội bóng mượt có thể gạt tôi đi bằng tiếng Pháp, nhưng cái thôi thúc được chứng tỏ rằng ông ta cũng có thể nói tiếng Anh, nó quá lớn. À, phải, thực ra, tôi vừa nói với dì của cậu rằng… nhà cung cấp… của chúng tôi đã mất tích.
Sáu tháng trước, không một lời, dì tôi nói thêm. Thứ tiếng Anh trôi chảy của bà, cũng như BFD, nhiễm một âm điệu Pháp quyến rũ, nhưng dù gì cũng không tốt bằng tiếng Anh của tôi, vì tôi có thể nói cái câu Mỹ nhất trong mọi câu Mỹ ấy – hee-haw! – mà hầu hết người Pháp không thể nói, ngoại trừ nếu họ tập trung cao độ để khỏi nuốt âm h. Dì đồ rằng điều đó chỉ có nghĩa là tin xấu cho tay bán hàng kia, dì tôi nói tiếp.
Trừ phi hắn ta đã tìm thấy đức tin, tôi nói.
Khó lắm, dì tôi nói. Saïd chỉ quan tâm đến tiền. Mà nói đến chuyện này – nếu cho phép dì nói thô một tí…
Không, không, không, tôi nói, bản năng mách bảo tôi rằng một người như BFD, một chính trị gia, sẽ không bao giờ chịu mua thứ hàng này, ít nhất là mua từ tôi. Tôi giơ lên, kẹp giữa các ngón tay, miếng nhôm mà Ông Chủ đã muốn tôi chuyển cho dì. Đây – quầng sáng ngọn đèn của dì chiếu xuống mẩu nhôm khiến nó ánh lên như một luồng chớp từ xa – đây là một món quà.
Nguyên dịch