Winner of the Pulitzer Prize

Viet Thanh Nguyen – Writing is an urge from inside

Anh Trâm interviews Viet Thanh Nguyen about his novels, The Symapthizer, The Refugees, The Displaced, and Nothing Ever Dies for Runway.

Người yêu văn chương xứ Việt hẳn đã từng nghe tên Việt Thanh Nguyễn – nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer văn học với tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer.

Trong một chuyên đề đặc biệt về văn học của L’Officiel Vietnam, chúng tôi vinh dự có cuộc trò chuyện với Việt Thanh Nguyễn về quan điểm viết lách, thói quen đọc cũng như nhận xét của anh về ngôn ngữ và về việc văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới

Trước khi trở thành nhà văn, Việt Thanh Nguyễn (1971) là một giáo sư văn hóa sắc tộc Anh Mỹ và văn học tương đối tại Đại học Nam California. Xuất thân là một học giả có ảnh hưởng đến phong cách văn chương của anh. Cuốn tiểu thuyết The Sympathizer hay tập truyện ngắn The Refugees được viết bằng ngôn ngữ chính xác, lạnh lùng và tỉnh táo. Sự dồn nén cảm xúc tạo những xung động dữ dội trong lòng người đọc mỗi khi chạm đến dấu chấm hết của một câu chuyện hay khép lại trang cuối cùng của cuốn sách.

Ngoài đời, trong giao tiếp công việc, Việt Thanh Nguyễn cũng vậy. Anh ngắn gọn, kiệm lời, lịch thiệp và chuyên nghiệp. Chúng tôi chủ yếu làm việc qua email, cùng với sự hỗ trợ của trợ lý riêng của anh. Việt đầy thiện chí bởi anh rất muốn chia sẻ và tiếp cận với công chúng Việt Nam. Tuy nhiên tháng 4 của anh dày đặc những lịch công tác, trò chuyện và giới thiệu sách khắp nước Mỹ. Phải mất gần 1 tháng, bài phỏng vấn này mới có thể thực hiện.

THÀNH CÔNG NHỜ… CỨNG ĐẦU

Điều gì đã truyền cảm hứng khiến anh cầm bút và tại sao anh lại quyết định sẽ trở thành một nhà văn?

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã rất thích đọc sách. Những câu chuyện mang lại sự an ủi và sự trốn thoát khỏi tuổi thơ cô đơn của một đứa trẻ tị nạn vẫn thường nhìn thấy cha mẹ mình làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày, gần như tất cả các ngày trong năm, trong một cửa hàng tạp hóa Việt Nam. Cùng lúc đó, tôi dần nhận ra gần như không có câu chuyện nào ở Mỹ về những người như tôi hoặc cha mẹ tôi: những người Việt Nam tị nạn hoặc những người châu Á. Tôi trở nên quyết tâm sẽ viết những câu chuyện về chúng tôi.

Anh đã mất rất nhiều năm để theo đuổi việc viết lách mà không nhận được bất cứ sự công nhận nào. Điều gì đã khiến anh tiếp tục kiên định theo con đường này?

Sự cứng đầu. Ý chí để làm việc chăm chỉ và không ngại hy sinh mà tôi học được từ việc nhìn thấy cha mẹ mình làm việc không ngơi nghỉ vì lợi ích gia đình. Cuối cùng, niềm tin rằng viết lách là nghệ thuật và nghệ thuật là một sự thôi thúc tinh thần. Sự thôi thúc đó đòi hỏi sự cống hiến và hi sinh. Suy cho cùng thì tôi yêu nghệ thuật, ngay cả khi không có sự công nhận nào.

Anh có cảm thấy áp lực khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình là một thành công lớn?

Tất nhiên là tôi cảm thấy ngỡ ngàng và sau đó thì áp lực chen chân vào. Một phần áp lực là do tôi tạo ra. Tôi có thể sống một cuộc đời yên tĩnh và viết cuốn tiếp theo (điều này hẳn nhiên vẫn đem lại nhiều áp lực) nhưng tôi đã chọn sống một cuộc sống có phần cởi mở hơn, đi nói chuyện khắp nước Mỹ và viết những bài báo cho các tạp chí và tờ báo lớn. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải lên tiếng về những vấn đề mà tôi quan tâm. Điều này khiến mọi người biết đến tôi nhiều hơn và cũng đem lại cho tôi nhiều trách nhiệm, do đó lại càng thêm áp lực.

Bên cạnh chủ đề chiến tranh và tị nạn, có chủ đề nào khác mà anh quan tâm và muốn viết?

Phần tiếp theo của The Sympathizer lấy bối cảnh Paris những năm 1980 vì vậy tôi muốn nói về chủ nghĩa thực dân Pháp và cuộc sống của người Paris. Nhưng cuốn sách tiếp theo của tôi, sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay, là sự hợp tác với con trai 5 tuổi của tôi, Ellison (tên đệm của cháu tiếng Việt là Tài Dương). Ellison nghĩ ra ý tưởng rằng cháu sẽ vẽ về những con gà trở thành cướp biển. Chúng tôi bán cuốn sách đó cho một nhà xuất bản và tôi sẽ viết phần chữ. Họa sĩ chuyện tranh Thi Bùi (cuốn sách tuyệt vời của cô ấy The Best We Could Do, về những người tị nạn Việt Nam ở California) và con trai 13 tuổi của cô, Hiển, đang minh họa cho cuốn sách dành cho thiếu nhi này, có tên gọi Chicken of The Sea. Thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi được làm việc với các họa sĩ nhí. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ trở thành một kiểu hình mẫu cho các bậc cha mẹ người Việt, người châu Á, di cư và tị nạn khuyến khích sự phát triển nghệ thuật ở trẻ, chứ không chỉ hướng các cháu trở thành những bác sĩ, luật sư hay kỹ sư.

CHẠY BỘ TỐT CHO VIỆC VIẾT LÁCH

Anh có hay bí ý tưởng khi viết lách không? Những lúc ấy anh thường làm gì?

Anh có thể chia sẻ đôi điều về thói quen viết lách của mình? Anh thường viết buổi sáng hay tối muộn? Anh có hay dùng cà phê hoặc trà khi viết lách hoặc nơi đó có cần phải là một nơi thật yên tĩnh không?

Tôi luôn thực hiện nhiều dự án cùng lúc. Nếu tôi bị bí ý tưởng hoặc bị đình trệ trong dự án này, tôi sẽ chuyển sang dự án khác. Ngay khi tôi hoàn thành xong một dự án, tôi đã có dự án tiếp theo để tiếp tục, tôi không tốn thời gian băn khoăn mình sẽ viết gì tiếp theo.

Phần lớn cuộc đời, tôi viết trong một căn phòng đơn giản nhìn vào một bức tường trống trơn, trên một máy tính để bàn hoặc laptop, bất cứ khi nào tôi có thời gian rảnh (điều đó nghĩa là bất cứ khi nào tôi không phải dạy học hoặc chấm bài). Nghi thức là một điều dễ chịu với một nhà văn nhưng sau cùng thì một nhà văn phải viết bất cứ khi nào anh ta hoặc cô ta có cơ hội. Khi tôi viết The Sympathizer là một dịp hiếm hoi tôi có xa xỉ thời gian. Tôi có hai năm nghỉ dạy vì vậy tôi có một lịch viết lách lý tưởng: tôi viết 4 tiếng vào buổi sáng, ăn trưa, chạy bộ (điều này giúp tôi giải tỏa đầu óc và nghĩ về việc viết lách của ngày hôm sau), sau đó tôi xem những chương trình TV hay vào buổi tối, điều này thường truyền cảm hứng cho tôi những ý tưởng để xây dựng cốt truyện.

Là một học giả, anh có cảm thấy khó khăn khi viết cho đối tượng độc giả đại chúng? Anh xử lý việc này như thế nào?

Các học giả thường có khuynh hướng viết cho đối tượng nhỏ, chuyên biệt. Tôi học được cách làm điều đó, điều này đồng nghĩa với việc thành thạo ngôn ngữ chuyên môn. Thật là khó để học cách viết cho độc giả đại chúng sau đó. Nhưng tôi cố gắng và cố gắng, cuối cùng thì cũng làm được. Nó giống như học thêm một ngôn ngữ khác vậy. Tôi nghĩ về bản thân như một người nói hai thứ tiếng khi viết học thuật và viết hư cấu.

The Displaced book cover

TRÔNG ĐỢI SỰ KHỞI SẮC CỦA VĂN HỌC VIỆT

Chắc hẳn là anh đọc rất nhiều. Kiểu sách nào sẽ thu hút sự chú ý của anh?

Trung bình mỗi tuần tôi đọc một quyển sách. Tôi đọc cả sách giấy và sách điện tử, tôi cũng thường nghe sách nói trong xe ô tô. Tôi vẫn thấy hứng thú với những quyển sách học thuật liên quan đến chuyên ngành (lý thuyết văn học và văn hóa, nghiên cứu dân tộc, nghiên cứu người Mỹ gốc Á), nhưng dành ít thời gian hơn để đọc chúng. Tôi phải dành nhiều thời gian để đọc văn học Mỹ đương đại, bởi vì rất nhiều nhà văn đã nhờ tôi giúp họ và viết lời giới thiệu cho sách họ. Ngoài nghĩa vụ này, tôi còn quan tâm đến những cuốn sách gây tranh cãi về chủ đề và giàu có về ngôn ngữ. Không quan trọng là nó thuộc thể loại nào – tôi thích các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, trinh thám, gián điệp và giật gân; truyện ngắn; tác phẩm hư cấu “giàu tính văn học”; phi hư cấu về các vấn đề đương đại, chính trị…

Anh có nhà văn yêu thích nào không? Anh có nhà văn yêu thích nào không? Anh có từng đọc cuốn sách nào được viết tại Việt Nam và anh nhận xét gì về chúng?

Tôi có rất nhiều nhà văn yêu thích. Xin được liệt kê một vài:  Ralph Ellison, Toni Morrison, William Faulkner, Kazuo Ishiguro, Haruki Murakami. Những nhà văn Việt Nam bao gồm những người viết về chủ đề chiến tranh như Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê. Những tác giả kinh điển như Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du. Tôi sắp đọc một bản dịch tiếng Anh mới của Truyện Kiều. Tôi hy vọng rằng bản dịch mới này báo hiệu sự quan tâm mới mang tính toàn cầu với văn học Việt Nam. Văn học Việt Nam bên ngoài Việt Nam thường được biết đến nhiều nhất khi viết về chủ đề chiến tranh hoặc lịch sử xa xưa hơn. Tôi rất muốn có thể thấy những bản dịch tốt hơn của văn học Việt Nam đương đại, như những gì Deborah Smith đã làm với nhà văn Hàn Quốc Han Kang, người đã trở thành một nhà văn quốc tế nhờ những bản dịch của Smith. Kể từ thời Dương Thu Hương hay Bảo Ninh, không có một nhà văn Việt Nam nào có tầm ảnh hưởng quốc tế cả.

Anh là một chuyên gia về ngôn ngữ. Sẽ thật thú vị nếu anh có chia sẻ một vài quan điểm về tiếng Việt, tiếng Anh cũng như những thứ tiếng khác?

Tiếng Anh là một ngôn ngữ toàn cầu được hàng tỉ người sử dụng vì sức mạnh của Anh và Mỹ (do chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản). Tiếng Việt gần như là một ngôn ngữ quốc gia, ngoại trừ việc nó được đưa ra nước ngoài nhờ cộng đồng người Việt di cư. Ngôn ngữ này được nói bởi hàng chục triệu người và khả năng tiếp cận của nó hạn chế hơn tiếng Anh. Thực ra không thể phân tách ngôn ngữ khỏi quyền lực, điều đó có nghĩa là tiếng Việt và văn học Việt có nhiều hạn chế về tác động và tầm ảnh hưởng. Tôi thấy điều đó thật đáng buồn nhưng đó là thực tế ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ rất nhiều về việc viết tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, đã có ảnh hưởng đến việc những cuốn sách của tôi có khả năng tiếp cận đến đối tưởng độc giả rộng hơn như thế nào.  Lý do vì đối tượng đọc sách tiếng Anh rộng hơn đối tượng đọc sách tiếng Việt nhiều và thực tế là những cuốn sách thành công bằng tiếng Anh có khả năng được dịch ra nhiều thứ tiếng hơn một cuốn sách thành công bằng tiếng Việt. Một biến cố lịch sử – chiến tranh và việc cả gia đình tôi trở thành những người tị nạn đã dẫn đến việc tôi tập quen với điều kiện viết bằng tiếng Anh. Cũng biến cố đó đã làm tôi viết bằng tiếng Anh như một kẻ ngoài cuộc, như một người có chút kiến thức về tiếng Việt. Tôi nghĩ điều đó giải thích cho việc giọng văn trong The Sympathizer khá dữ dội – bởi vì tôi nhìn tiếng Anh từ bên ngoài và chơi với nó, cũng như gây áp lực cho nó và bắt nó phải làm những thứ mà nhiều người bản ngữ tiếng Anh không thể làm được.

Cảm ơn anh! Chúc anh sớm cho ra đời những tác phẩm mới và tiếp tục thành công!

Thực hiện: Anh Trâm

Share

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

More Interviews