Giá như là quê hương

Phạm Vũ reviews Viet Thanh Nguyen’s The Displaced for the Vietnamese website Tuổi Trẻ.

TTO – Những nỗi niềm ly hương bỗng bùng lên chấn động lòng người Việt trong những ngày này. Và Kẻ ly hương xuất hiện như một cái nắm tay đồng cảm: thế giới có mấy chục triệu người đã và đang là người tị nạn, những nỗi niềm này là của chung con người.

Sách do Bùi Thanh Châu dịch, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: P.VŨ

17 bài tiểu luận – 17 tác giả là những nhà văn từng là những người tị nạn từ khắp thế giới trong nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, phân biệt sắc tộc, chính trị, tìm kiếm một cuộc sống, tương lai tươi sáng hơn, họ đã đi bộ, đi xe, đi tàu, đi máy bay để qua biên giới, đã trải qua những trại tị nạn, những lựa chọn khốc liệt để bước vào một cuộc đời mới.

Tưởng như bức tường biên giới bằng kẽm gai, bằng thép, bằng cửa khẩu hải quan, bằng những ngăn cách núi rừng, đại dương đã ở lại sau lưng, nhưng không, còn rất nhiều biên giới khác đang chờ.

Biên giới của màu da, màu tóc. Biên giới của ngôn ngữ. Biên giới của văn hóa, giáo dục. Biên giới của phân biệt nghề nghiệp, giàu nghèo… Người tị nạn sẽ phải vượt qua tất cả những biên giới ấy bằng những nỗ lực vượt bậc, những thử thách vượt giới hạn thể xác, tinh thần. Nhiều người đã vượt lên thành công, như 17 tác giả này của chúng ta, và nhiều người khác đã vấp, đã ngã, đã bị tuột xuống khỏi những bức tường biên giới ấy.

Hành trang của nhà văn là sự thật, và sứ mệnh của nhà văn là cất lên tiếng nói của sự thật, khát vọng của sự thật. Vượt lên được cái nhãn “tị nạn”, nhưng những tổn thương sâu kín bên trong vẫn chưa lành, vẫn cần được nói ra, nhất là khi họ là người cầm bút, nhất là khi đó sẽ còn là tiếng nói của hàng triệu người khác.

Thì ra cộng vào bên cạnh những nỗ lực còn là phải xóa đi chính mình, quên đi chính mình, chôn vùi những quá khứ, ký ức, những thân quen, yêu thương. Thì ra bên cạnh những cái được vật chất, danh vọng sờ được, thấy được là những mất mát khó đong đếm, khó diễn tả.

Tranh của tác giả Thi Bui trong tập sách – Ảnh: P.VŨ

Thi Bui – cô gái người Mỹ gốc Việt – không viết, mà vẽ nên những mất mát, đổ vỡ ấy. Bức tranh cô vẽ người phụ nữ Việt Nam đứng chơ vơ giữa những mảnh vỡ mang tên: nhà, công việc, gia đình, họ hàng, bạn bè, tiếng nói, lối sống, văn hóa, hiểu biết, kinh nghiệm… nhìn thật nhói lòng. Người Việt Nam, người Iran, người Afghanistan, người Do Thái, người Mexico, người châu Phi, Nam Mỹ…

Tất cả, theo những cách khác nhau, đều đã phải chơ vơ bỏ lại cuộc đời mình như vậy, làm lại một cuộc đời mới như vậy. Maaza Mengiste viết trong sổ tay của mình: “Bạn không phải người như vậy. Là cuộc thiên di đã làm bạn như vậy”.

Nhưng tận cùng, những gốc rễ sâu thẳm vẫn không thể mất. Nhà văn Trần Vũ viết: “Cho dù khi ấy có còn nhỏ và thiếu ý thức đến đâu, tôi vẫn còn một cuộc đời khác ở Việt Nam…”. Joseph Azam, sau gần cả tuổi trẻ quắt quay dằn vặt dùng một cái tên mới để che giấu gốc Hồi giáo của mình ở trường học, ở sở làm, cuối cùng đã nín thở cầm bút viết vào hồ sơ nhập tịch: Joseph Mohammad Yousuf Azam.

Thi Bui vẽ những gì cô được ngày hôm nay khi không còn là người tị nạn: cô gái kéo vali đi du lịch khắp thế giới với hộ chiếu xếp hạng cao, thẻ ngân hàng, đồ dùng cá nhân hiện đại, thời trang. Gương mặt cô vẫn phảng phất nét buồn của người phụ nữ ngày xưa đã mất tất cả…

Nhà văn Viet Thanh Nguyen, chủ biên cuốn sách, không ngần ngại nói lên giấc mơ của mình: “Một thế giới công bình hơn nơi những ranh giới là những cột mốc biểu thị văn hóa, bản sắc, quan trọng nhưng dễ vượt qua. Một thế giới mà không ai phải sống lưu vong…”.

Giấc mơ ấy có thể là viễn tưởng khi khoảng cách kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa các nước, khu vực thậm chí còn lớn hơn khoảng cách địa lý; khi những biến động chính trị, xã hội vẫn đủ sức thúc đẩy những cuộc di dân; khi mà ở những nước phát triển nhất người ta vẫn dốc sức xây tường biên giới mồn một bằng sắt thép, bêtông và những người muốn tị nạn vẫn tìm cách trèo qua bằng chân mình, đào hầm xuyên qua bằng bàn tay mình… Nhưng người ta vẫn có quyền mơ, và giấc mơ gần nhất vẫn cứ là quê hương.

Giá như quê hương cũng là một lựa chọn tốt cho cuộc đời.

PHẠM VŨ

Share

More Reviews