Winner of the Pulitzer Prize

‘The Refugees’ – An Introduction to Viet Thanh Nguyen Literature

Nữ Lâm reviews Viet Thanh Nguyen’s The Refugees for Zing.

Tập truyện ngắn “Người tị nạn” là tác phẩm đầu tiên của nhà văn đoạt giải Pulitzer 2016 được chuyển ngữ tiếng Việt.

Viet Thanh Nguyen là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc thế giới. Ông là nhà văn đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2016 với cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, riêng bản tiếng Anh đã bán hơn 500.000 bản.

Trong lúc chờ đợi tiểu thuyết The Sympathizer được chuyển ngữ sang tiếng Việt, bạn đọc có thể tìm đến tập truyện ngắn Người tị nạn của ông, như một dẫn nhập vào thế giới văn chương của Viet Thanh Nguyen.

Người tị nạn tập hợp những truyện ngắn được viết trong vòng nhiều năm của Viet Thanh Nguyen.

Đối với những nhà văn rời Việt Nam từ nhỏ như Viet, quá khứ trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng khôn nguôi. Có những nhà văn cả đời chỉ trở đi trở lại một đề tài. Thời gian mắc họ vào quá khứ và giam giữ họ trong một căn phòng kín chỉ độc nhất một món tĩnh vật. Và người ngồi quan sát nó, chiêm nghiệm nó. Mọi chi tiết, mọi góc cạnh, đều thu vào ký ức đến kiệt cùng. Trở thành bóng ma trong tâm tưởng của họ.

Không phải vô cớ khi Viet Thanh Nguyen bắt đầu tập truyện của mình bằng hình ảnh của hồn ma. Những người đàn bà mắt đen như chiếc chìa khóa khởi động lại ký ức khóa kín của Viet Thanh Nguyen.

Proust nhấm chiếc bánh của mình và từ đó dựng nên cả vương quốc của sắc màu, của hương vị, của những nhục cảm sống động. Quá khứ dài thêm, rộng ra. Hồi ức trở lại kèm những bóng ma mang đầy ác mộng.

Thế giới trong truyện ngắn của Viet Thanh Nguyen là thế giới của người chết hơn là thế giới của người sống, dù rằng người sống phát ngôn, người sống hành động thì họ luôn bị chi phối bởi bóng ma của quá khứ. Các nhân vật lâm vào tình thế của những con người mắc kẹt, như vị giáo sư trong I’d Love You to Want Me. Trí nhớ suy kiệt. Cơn mê chờ tới. Thực tại bỗng biến thành tương lai chưa kịp đến, còn quá khứ chiếm lĩnh lấy thời gian và không gian.

Viet Thanh Nguyen đã chỉ ra được tính lưỡng thế của những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Hai quốc gia. Một quê hương. Sự phân tranh trong tâm hồn xâu xé họ giữa thực tại và quá khứ.

Ông chọn cho mình một bút pháp tả thực cổ điển và bớt dụng những kỹ thuật đã có trong tiểu thuyết The Sympathizer. Chính sự đơn giản về kỹ thuật đó đã giúp cho những truyện trong tập này trở nên thật hơn, tựa hồ những mảnh ghép nhỏ trong quyển biên niên về cuộc sống.

Niềm vui đã hiếm hoi, bi kịch cũng trở thành một thứ gì đó nhẹ bẫng mà thấm lâu. Nhà văn đã góp công vén một lớp nhiễu điều để lộ ra những khoảnh đời sống của người Việt đang sống ở nước ngoài.

Bấy lâu nay, văn chương thiếu vắng những đôi mắt đến từ bên trong, giúp độc giả Việt Nam hiểu thêm về đời sống kiều bào. Từ Kẻ thứ baVụ ghép tạngNgười Mỹ cho đến Tổ quốc, Viet Thanh Nguyen đã thể hiện tham vọng của mình: cố gắng đi lại toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu định cư cho đến khi đã trưởng thành. Nhưng dù đến phương trời nào đi nữa, con đường cuối cùng anh nhìn vẫn hướng về Tổ quốc.

Share

More Reviews