Winner of the Pulitzer Prize

A Correct Life: Một Cuộc Sống Đứng Đắn

“A Correct Life” was originally published in Best New American Voices, 2007 edition, pages 97 – 117. It was translated by Nguyễn Nguyệt Cầm  on Damau.org on October 8, 2006. For the best visual quality, please download the PDF.

Khi cảm thấy cú giật do bánh xe máy bay chạm mặt đường băng, anh ngồi thẳng lên một chút. Qua cửa sổ, anh nhìn thấy một đường băng rộng, hiện đại, không hề vướng cỏ hay bụi cây dại, giống hệt đường băng ở San Diego, nơi máy bay anh xuất phát mới hơn một giờ trước đó. Một vài chiếc máy bay hành khách khác chạy trên các đường băng song song; xa hơn nữa, anh có thể nhìn thấy dãy nhà ga đón đưa của phi trường San Francisco, với những ô cửa sổ phản chiếu nắng chiều. Anh nuốt nước miếng để làm giảm áp lực trong tai, nhưng cho đến khi máy bay dừng ở cầu hàng không, những âm thanh vô hình vẫn như chọc vào tai, làm ù đi tiếng trò chuyện của hành khách xung quanh. Nắm chặt trong tay tờ đơn, trong đó có tên người bảo trợ, Parrish Coyne, người anh không biết gì nhiều hơn ngoài việc ông ta sẽ đợi anh ở cửa ga. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu Parrish Coyne không có ở đó đã làm anh lo lắng suốt chuyến bay, khiến anh hết vo tròn rồi lại vuốt thẳng túi bánh mặn pretzel, tưởng tượng ra cảnh mình đi xin tiền lẻ ở chỗ nhận hành lí, hoặc vẫy xe đi nhờ ra khỏi sân bay mà không biết phải tới đâu; anh không có tiền, không bạn bè, và không có một địa chỉ để liên lạc nào, ngoại trừ người bảo trợ mình. Biết đâu cảnh sát sẽ bắt giữ anh. Ðiều đó có thể lắm. Họ có thể bắt anh với bất kì lí do gì họ thích, kể cả cái tội đơn giản anh là người nước ngoài, lỗi anh thường xuyên vi phạm mỗi lần anh nói một từ.

Trong khi chờ ra khỏi máy bay với mảnh giấy trong tay và túi hành lí nhỏ duy nhất, anh cảm thấy không những tim đập nhanh và khẩn trương, mà anh còn nghe tiếng tim rất rõ. Mười tám tuổi, anh nghĩ mình được rèn luyện kiên cường qua những gì trải qua năm ngoái, nhưng cơ thể vẫn quen phản bội anh như vậy. Khi ra khỏi máy bay, điều đó lại xảy ra một lần nữa; thay vì điềm tĩnh đi qua đám đông những gương mặt xa lạ như anh dự tính, anh không thể nào tránh không lo lắng điểm lướt qua mặt họ. Nhưng tức thì anh thấy một người hẳn phải là Parrish Coyne, đứng mỉm cười và cầm bảng chữ viết tay đề Ông Liêm, một hình ảnh gần như làm anh choáng vì nhẹ nhõm và biết ơn. Trước đó chưa từng có ai gọi anh bằng “ông” bao giờ. Người đời thậm chí hiếm khi gọi anh bằng tên.

Parrish Coyne trạc trung niên và, ngoại trừ mớ tóc đuôi ngựa, nhìn gây ấn tượng, với cặp mắt xanh sâu cùng một cái mũi mỏng và thẳng. Ông đội mũ nâu, mặc áo khoác da đen, khuy cài thay vì khóa kéo. Sau khi Liêm lí nhí tự giới thiệu, ông lặp lại tên Liêm hai lần, như thể thiêng liêng hóa độ quan trọng của việc thốt ra cái tên ấy. “Tôi đoán là Li-am, phải không?” Parish nói giọng Anh, siết chặt tay Liêm và phát âm sai tên anh, dùng hai âm tiết thay vì chỉ một. “Li-am, đúng không?” Trước khi Liêm có dịp sửa phát âm của ông, Parrish bất ngờ ôm lấy anh, khiến anh không biết làm gì hơn là ngượng ngập vỗ vào vai ông. Anh nhận thấy những người khác đang nhìn họ và rõ ràng tò mò về quan hệ giữa họ. Rồi Parrish lùi lại, nắm chặt vai anh, chăm chăm nhìn đến độ làm anh bối rối, do không quen là đối tượng của sự chú ý đặc biệt như vậy. “Trời ạ,” cuối cùng Parrish nói, “tớ không ngờ cậu xinh trai như vậy.” Liêm vẫn cười và tự hỏi không hiểu mình có nghe đúng không, vì chưa ai dùng từ xinh trai để tả anh bao giờ cả.

“Anh làm cậu ấy ngượng đấy,” một thanh niên đứng cạnh Parrish nói; vừa lúc đó, áp lực trong màng tai Liêm giảm xuống. Những tiếng động tại nhà ga phi trường vang lên bình thường và rõ ràng. “Ðây là Marcus Chan,” Parrish nói, “bạn tốt của tớ.” Marcus cũng nói giọng Anh, nụ cười của anh ta có phần hơi khinh thị khi bắt tay Liêm. Liêm không trách anh ta; đứng cạnh Marcus, đau đớn thay, anh thua kém hầu như về mọi mặt. Trạc khoảng 24, 25, Marcus có hàm răng trắng đều, đôi môi mòng mọng, dáng người thẳng đứng, đầu hơi hất về phía sau, với tư thế của một người sẽ được thừa kế cả gia tài. Cảm giác mắc nợ của Liêm khiến anh luôn nhìn xuống, như thể tìm kiếm tiền lẻ, và vì anh thấp hơn Marcus và Parrish, anh phải nhìn lên khi nói, “Tôi rất vui được gặp hai anh.” Rồi, chỉ vì lo lắng, trong khi vẫn nắm tay Marcus, anh nói thêm, “San Francisco num bờ oăn.”

“Dễ thương quá.” Marcus nhẹ nhàng rút tay khỏi tay anh. “Thế thì số hai là gì?”

“Im nào. Sao cậu không tỏ ra hữu ích và cầm giúp Liêm cái túi?”

“Tuân lệnh, thưa ngài,” Marcus nói. Anh ta cầm giúp chiếc túi và đi sau. Parrish dẫn Liêm qua hết nhà ga, ra chỗ đậu xe. Ông nắm khuỷu tay Liêm, hăm hở hỏi về những kinh nghiệm anh đã trải qua. Những ngày đó thế nào? Cậu cảm thấy ra sao? Thật buồn quá, phải không? Viễn cảnh của việc ôn lại câu chuyện làm Liêm kinh khiếp, vì vậy trong khi Marcus lái xe ra khỏi bãi đậu và bắt đầu vào đường cao tốc, anh miễn cưỡng kể lại một phần nhỏ của mười hai tháng vừa qua, trong vai của lại thêm một người Tị nạn Trẻ vô danh khác, một vai phụ không hơn trong vở kịch bắt đầu bằng việc để lại cha mẹ ở Long Xuyên mùa hè năm ngoái, làm việc tại một nơi được gọi là phòng trà ở Sài Gòn, bị cắt đứt với gia đình vào thời điểm cuối cuộc chiến trong tháng Tư, và chạy trốn bằng tàu. Thậm chí cả phần nhỏ này của câu chuyện cũng làm anh mệt nhoài. “Vậy là,” anh nói, “bây giờ tôi đã đến đây.”

Parrish ngồi ghế trước, thở dài. “Không phải chỉ là một bi kịch,” ông nói, “mà cả hài.” Rồi ông xắn tay áo để lộ một vết sẹo hồng chạy vòng quanh cổ tay, kỷ niệm một cuộc biểu tình chống chiến tranh năm 1968, ông nói, do cảnh sát Oakland trao tặng. Cả hai chăm chăm nhìn vết còng đóng sẹo một hồi, trong khi đài phát một bài hát quảng cáo một loại thuốc chải bóng đồ gỗ mới: không cần dùng chổi mà vẫn bóng nổi.

“Cảm ơn,” Liêm nói.

Marcus vặn đài to lên một nấc. “Cậu sẽ thấy thời tiết ở đây lạnh và xám, mặc dù bây giờ là tháng Chín,” anh ta nói. “Mùa đông có mưa. Không phải khí hậu nhiệt đới, nhưng rồi cậu sẽ quen.” Anh ta bắt đầu chỉ cho Liêm những địa điểm nổi tiếng trên đường xe chạy qua. Trong kí ức Liêm đọng lại hình ảnh của Công viên Ðèn cầy với tường bao quanh đầy ấn tượng và mặt nước cẩm thạch động sóng của vùng vịnh. Khi xe từ một xa lộ khác hòa dòng, xe họ chạy chậm lại. Parrish vặn nhỏ đài, vuốt mớ tóc bạc, và nói tới điều Liêm cần biết về Marcus và ông. “Chúng tớ là một cặp,” Parrish nói. Liêm chớp mắt và mỉm cười. “Theo nghĩa lãng mạn,” Parrish nói thêm. Một cơn rùng mình lo lắng xuyên qua Liêm, nhưng anh quyết định coi đây chỉ là một chuyện đùa kỳ quặc kiểu Mỹ và phá lên cười theo phép lịch sự, cho đến khi anh thấy Marcus chăm chú nhìn mình qua gương chiếu hậu.

“Ô-kê,” anh nói, vốn từ vựng bị choáng. “Ối chao.”

“Tớ hi vọng cậu không quá sốc.”

“Không, không, không, tôi…” anh điểm vội vốn từ trong đầu, “…thoáng?”

“Vậy tớ hi vọng cậu sẽ ở với chúng tớ.”

“Cởi mở,” anh nói thêm. Anh chẳng còn chỗ nào khác để đi. “Tôi tốt thôi. Ðừng lo cho tôi. Thật đấy.”

Nhưng không phải vậy. Tâm trí anh cố quên, nhưng cơ thể anh vẫn nhớ rõ cảm giác điện giật khi một người bạn chạm vào đầu gối anh, làm những sợi lông tay và lông gáy dựng đứng lên. Ðiều này xảy ra nhiều lần hơn anh đếm được. Những khi anh đi dạo tay trong tay, hoặc ngồi khoác vai các bạn trên những băng ghế ở Sài Gòn, nhìn xe cộ và đám đàn bà con gái lướt qua trước mặt. Và đêm xuống. Anh ngủ trong một căn phòng tối, chật cứng đàn ông độc thân và những cậu bé đang cố dỗ giấc. Khi nhắm mắt, anh thấy hiện ra những người đàn ông tình cờ quen hoặc thấy ở phòng trà, thậm chí cả những người bạn của anh. Tâm trí anh ghép những gương mặt họ lại thành một chuỗi dài thất thường, và khi chúng đảo lộn trong đầu anh, anh cũng nghe được những tiếng thủ dâm sột soạt vụng trộm của người khác. Sáng ra, họ tỉnh giấc và nhìn nhau một cách vô tri, nếu có, và không ai nói tới điều xảy ra trong đêm, như thể đó là một việc xấu xa xảy ra trong rừng, không nên nhớ thì hơn. Lúc này anh tự hỏi, liệu bằng chứng của đêm đó và nhiều đêm khác còn tồn tại trong những đường chỉ tay của anh không. Anh lo lắng chùi tay vào quần gin trong khi xe họ chạy qua một khu dân cư, nơi hai bên đường tấp nập người đi lại, với những màu da khác nhau, chủ yếu là da trắng và người Mê hi cô, cũng có một số người da đen và rải rác một vài người Hoa. Trong số họ, không ai buồn nhìn lại hai lần những biển hiệu trên các cửa sổ hoặc những dòng chữ nghuệch ngoạc trên tường, những chữ trước đây anh chưa từng thấy: Peluquería, Chuy es maricón, Ritmo Latino, Dentista, Iglesia de Cristo, Viva La Raza!

“Tới nhà rồi,” Parrish nói khi Marcus đánh xe vào một chỗ đậu nhỏ dốc của một căn nhà hẹp hai tầng. Sau này Liêm được biết họ ở quận Mission, và kiến trúc ngôi nhà thuộc kiểu Victoria, nhưng hôm nay, tất cả những điều anh thấy là màu vôi.

“Ồ.” Anh chưa từng thấy một ngôi nhà nào quét vôi màu này. “Một ngôi nhà tím.”

Parrish cười khùng khục và mở cửa. “Gần đúng,” ông nói. “Màu hoa cà.”

Thoạt đầu, Liêm muốn gọi điện cho những người lo việc tái định cư ở San Diego và nói rằng họ đã gây ra lỗi cực lớn. Nhưng khi so sánh thành kiến của mình với sự hào phóng của Parrish, sự hổ thẹn đã ngăn anh không gọi điện. Thay vì vậy, những tuần tiếp sau đó anh quyết định hàng sáng chăm chú soi mình trước gương và nói: “Chẳng phải sợ ai ngoài chính ta cả.” Anh cũng đã lặng lẽ nói với mình như vậy hồi năm ngoái, vào cuối mùa hè 1974, khi anh chào tạm biệt cha mẹ tại bến xe đò Long Xuyên. Trước khi anh đi, cha anh giúi vào túi anh vài đồng, bảo anh phải kiếm tiền gửi về nhà, trong khi mẹ dặn anh phải tốt và chăm sóc bản thân. Có thể cha mẹ anh còn dặn thêm những điều khác, nhưng đó là tất cả những gì anh nhớ được trong vai trò người con cả, được gửi đi một mình để trở thành phao cứu gia đình từ Sài Gòn, cách nhà vài giờ đồng hồ theo hướng bắc. Anh vốn quen lao động. Khi lên mười hai, anh bỏ học để đi đánh giày cho lính Mỹ; khi mới lên tám, anh đã đi lục những đống rác phế thải của họ để tìm sắt, bìa các tông, tạp chí Playboy cũ nhàu, những hộp C-ration chưa mở, đôi khi cả những trái banh rổ xẹp hơi và những con chữ đi lạc, in trên các thùng gỗ, chẳng hạn CẨN THẬN, DỄ VỠ, COI CHỪNG, và USA. Học tiếng khá nhanh, anh ghi nhớ tất cả những chữ đó, cũng như những từ khác mà lính Mỹ dạy anh; ở Sài Gòn, anh đã mở rộng vốn từ khi làm việc tại một phòng trà trên đường Tự Do, nơi anh quét dọn và nhìn những cô gái bán bar đổi thân thể mình lấy đô la, và kiên trì mài rũa hai thứ ngôn ngữ bãi rác và nhà thổ thành một loại tiếng Anh sử dụng được.

Vào mùa xuân, tin đồn ngầm trước đó bùng nổ thành một bệnh dịch lớn, truyền nhiễm trong dân nỗi sợ hãi là hàng ngàn người sẽ bị tàn sát nếu Sài Gòn rơi vào tay cộng sản. Anh chỉ cần nghe có vậy, và, vào cuối tháng Tư, khi ở trong thành phố có thể nghe rõ những tiếng nổ đại bác và tên lửa ở ngoại vi, anh đã xô đẩy, đạp, quào cấu để lên được một chiếc sà lan rời thành phố. Bằng cách này, không những anh phát hiện ra rằng, cuộc sống của những người khác so với anh không mấy đáng kể, mà anh còn biết mình sẽ làm lại như vậy nếu phải thế. Khi anh tới được trung tâm định cư ở Trại Pendleton, anh cố quên đi nhận thức này về bản thân mình, cũng như cố quên hình ảnh những người cố hớp không khí khi rơi xuống sông, một số ngã gục trong khi chen lấn, những người khác bị lính bắn vào lưng trong cơn tuyệt vọng tìm đường thoát cho chính họ. Thường thì anh chỉ có thể giả đò quên, một việc mà đối với những người khác hẳn không dễ, nhưng với anh là việc trong nháy mắt, do tâm trí anh được rèn luyện đã lâu. Nếu đôi khi anh nhận thấy mình đang tự lừa dối, anh tự bào chữa rằng sớm hay muộn, ai rồi cũng sẽ tự lừa dối mình một điều gì đó.

Anh không hề đả động đến những điều này trong thư gửi về nhà chẳng bao lâu sau khi anh đến ở nhà Parrish. Anh đã gửi một lá thư trước đó vào tháng Sáu, từ Trại Pendleton, qua phòng định cư. Trong cả hai thư, anh chỉ viết về nơi mình ở và cách liên lạc với mình, vì anh cho rằng không có lá thư nào gửi từ Mỹ về mà không bị cộng sản đọc. Mặc dù anh sợ gây nguy hiểm cho gia đình vì có người thân trốn chạy, anh còn sợ hơn khi nghĩ đến khả năng thư không bao giờ đến được. Thời điểm duy nhất anh không nghĩ đến số phận của gia đình là vào những giây phút anh mới tỉnh giấc trên chiếc giường ấm áp, dưới ba lớp chăn, với cảm giác mình đang ở chính nơi mình muốn ở. Rồi anh mở mắt và nhận thấy một ánh xanh nhạt chiếu vào phòng qua cửa sổ đầy sương mù, tia sáng đục lung linh của đáy sâu một bể bơi. Ðó là khi nỗi lo lắng ùa trở về trong anh, giống như một lời nhắc cần thở.

Xuống nhà, anh thấy Parrish và Marcus đang ăn sáng và bình luận về tin tức địa phương hay tình hình chính trị thế giới, hoặc về bộ phim mới nhất. Parrish là dân di cư người Anh, còn Marcus là một sinh viên người Hồng Kông. Sau hai năm sống chung, họ hay cãi nhau về những điều vặt vãnh, thường bằng giọng bông đùa. “Cái gì cơ!” Một sáng Parrish nói. “Cậu không hề nghiêm chỉnh khi nói sẽ bỏ phiếu bầu Ford – ngay cả khi cậu có thể.” “Ông ta hẳn đã làm điều gì đó tốt đẹp,” Marcus nói. “Ai đó mới định bắn ông ta, phải không? Thường thì đó là một dấu hiệu tốt.” Khi họ bắt đầu thực sự cãi nhau trước mặt anh, anh biết mình đã trở thành một thành viên trong gia đình. Ðôi khi các trận cãi cọ xảy ra mà không có lí do. Chẳng hạn vào một sáng tháng Mười, khi Parrish hỏi bao giờ thì Marcus phải thi cuối kì. Câu hỏi dường như vô hại đó đã làm Marcus nổi giận đùng đùng. “Sao anh không đi thi hộ tôi đi?” anh ta độp lại trước khi bỏ ra khỏi bếp. Parrish đợi đến khi anh ta lao rầm rập lên cầu thang, rồi mới ghé sang Liêm thì thầm, “Hai tuổi khủng khiếp. Năm thứ hai bao giờ cũng khó nhất.”

“Thật ư? Liêm thì thầm đáp lại. “Tôi thấy ông cũng la hét ối lần rồi.”

“Mặc dù cậu ấy lớn tuổi hơn, nhưng lại không người lớn bằng cậu,” Parrish lẩm bẩm. “Cậu ấy chưa từng thấy những gì tớ và cậu đã trải qua. Tất nhiên khi trẻ thì tớ cũng ngu dốt, chưa kể đến lười biếng và được nuông chiều đến hư hỏng, như cậu ấy. Nhưng giờ thì tớ đỡ rồi. Tổ tiên của tớ kiếm tiền bằng những phương tiện tớ thấy xấu hổ, nhưng không có lý do gì để tớ không thể dùng tiền ấy vào những việc tốt, phải không nào?”

“Không có?”

“Không có,” Parrish nói. Liêm hiểu anh là một trong những việc tốt để tiêu những đồng tiền Parrish kiếm được với tư cách, theo như ông nói, là cổ đông của công ti Hoodwick, Bamboozle và Con. Hiện thời Parrish làm việc cho Earthwatch, một tổ chức bảo vệ môi trường. Mặc dù Parrish không chịu để Liêm trả tiền thuê nhà, Liêm vẫn kiếm việc làm vì, như cha anh yêu cầu, anh cần kiếm tiền và gửi về nhà. Trong vòng một tuần kể từ khi đặt chân xuống San Francisco, anh đã cuốc bộ xuống phố đến khi thấy một tiệm bán rượu và tạp hóa ngay giữa trung tâm khu Tenderloin, góc đường Taylor và Turk, nơi có hai chữ “Tuyển người” viết nguệch ngoạc trên cửa sổ, cạnh chữ “Se Habla Español.” Ðối diện phía bên kia đường, mấy cô điếm mặc phong phanh, run rẩy, khe ngực đầy mụn trứng cá, không đếm xỉa đến anh, và những chàng chuyển đổi giới tính nhưng cánh tay vẫn đầy lông lá. Anh làm ca từ tám giờ sáng đến tám giờ tối, sáu ngày một tuần. Anh được nghỉ ngày thứ Năm. Anh lau sàn, xếp đồ lên giá, cọ rửa nhà vệ sinh, chùi cửa sổ, trông coi sổ sách và lặp lại từng ấy động tác cho đến việc cuối cùng trong ngày là kéo hai túi rác ra bãi thải ở cuối đường hẻm, nơi những người có lí lịch đáng nghi ngờ đến tiểu bậy và nôn mửa vào chân tường lúc trời tối, có khi cả khi trời chưa tối. Bất kể anh có cọ rửa tay bao lâu sau đó, anh cảm thấy chúng không bao giờ thực sự sạch sẽ. Dầu mỡ và rác rưởi mà anh xử lý đã bám vào các vết chai sâu đến mức anh tưởng chừng mình đã để lại khắp nơi dấu vân tay vĩnh viễn.

Khi anh về đến ngôi nhà kiểu Victoria, Parrish và Marcus đã ăn tối xong. Anh ăn đồ còn lại trong bếp khi họ xem ti vi. Ngay sau khi ăn xong, anh rút lên gác, khiếp sợ trước mối quan hệ của họ và hơn cả là sợ chính Marcus. Thân hình mảnh mai, xanh xao của Marcus cứ hiện ra trước mắt khi anh đứng tắm, ngay cả khi anh cố gắng đến mức tuyệt vọng để khỏi nghĩ đến anh ta. Dòng nước nóng nuôi dưỡng trí tưởng tượng của anh và cuối cùng uốn cơ thể anh mềm mại và bình tĩnh lại. Trong trạng thái thư dãn như vậy, một tối anh mở cửa nhà tắm bước ra, chỉ quấn độc có chiếc khăn tắm, và gặp Marcus đi dọc hành lang.

Họ im lặng nhìn nhau rồi cùng bước tránh về một phía. Rồi họ lại cùng bước tránh về phía bên kia, chân lê những bước lúng túng. “Những tư tưởng lớn thường gặp nhau, phải không,” cuối cùng Marcus nói, mắt lướt nhanh qua thân thể Liêm trước khi cúi nhẹ người với vẻ giễu cợt và ra dấu cho Liêm đi qua. Liêm đi nhanh về phòng và đóng cửa, không hề ngoái lại phía sau; khi dựa lưng vào cửa, lắng nghe tiếng bước chân Marcus xa dần ngoài hành lang, anh cảm nhận được lớp mồ hôi dấp dính sau lưng. Anh toát mồ hôi vì hơi nóng sau khi đứng tắm dưới vòi sen quá lâu.

Một sáng thứ Năm âm u giữa tháng Mười một, Marcus và Liêm lái xe đưa Parrish ra phi trường. Ông bay sang Washington dự một cuộc hội thảo về sức mạnh hạt nhân và môi trường. Gió quất vào cửa kính xe trong khi Parris giảng giải về các chất plutonium và uranium, sau khi sử dụng và được chính phủ chôn tại sa mạc, vẫn tiếp tục phóng xạ, nhiễm độc đất đai và gây tác hại tới hàng nghìn năm. “Và phần lớn là người nghèo sống ở những vùng đó,” Parrish nói. “Cứ nghĩ đến nó như bãi mìn khổng lồ ngay sân sau nhà nước Mỹ mà phát khiếp.” Liêm ngồi ghế sau, lễ độ lắng nghe, nhưng Marcus gõ nhịp vào tay lái trong khi lái. Parrish tỏ vẻ không hề để ý. Ðến sân bay, ông hôn tạm biệt Marcus trước khi ôm Liêm và chào. “Chủ nhật gặp lại nhé,” Parrish nói. Ngay sau khi Liêm leo vào ghế băng trước, trước khi anh kịp đóng chặt cửa thì Marcus đã phóng xe khỏi sân bay. Anh ta vừa tăng tốc vừa nói, “Ðến chừng nào ông ta mới thôi không lý tưởng hóa như vậy nữa?”

“Ông ấy là một người tốt.” Liêm cài dây an toàn. “Ông ấy rất quan tâm, phải thế không?”

“Sống với một người tốt có khi rất mệt,” Marcus nói. “Ðó là lý do tại sao các thánh phải tử đạo. Chẳng ai chịu được họ cả.” Chuyến lái xe quay về thành phố là khoảng thời gian dài đầu tiên họ ở bên nhau mà không có người thứ ba nào khác. Trước đó, một người trong hai bọn họ bao giờ cũng tìm ra lý do chuồn đi chỗ khác. Giờ thì họ ngồi im lặng trong xe cho đến khi họ về đến gần trung tâm thành phố. Liêm lên tiếng, “Anh có đói không? Tôi thấy đói rồi.”

Marcus lái vượt qua lối rẽ ra Ðường Army rồi nói, “Ðừng nói Tôi thấy đói rồi, nói Tôi đói rồi. Cậu phải học cách nói tắt nếu cậu muốn nói như người dân bản địa. Uốn môi và lưỡi của cậu như thế này này, thấy chưa?”

“Tôi đói rồi. Còn cậu?”

Quán ăn mà Marcus chọn nằm ở đường Jackson trong Khu phố Tàu, rộng gần một sảnh khiêu vũ, với những cột nhà gỗ anh đào sẫm màu và những ngọn đèn lồng đỏ có tua rủ từ trần nhà xuống. Thậm chí vào sáng thứ Năm, quán vẫn ồn ào và nhộn nhịp; những cô phục vụ bàn mặc áo choàng tạp dề đẩy xe khay đồ ăn ngược xuôi dọc các bàn, trong khi những anh phục vụ đeo nơ mang phiếu tính tiền và ấm trà chạy hết từ bàn này sang bàn khác. Họ ngồi xuống một bàn cạnh cửa sổ, nơi họ có thể nhìn thấy dòng đầu đen đi lại bên ngoài. Hình ảnh đám đông châu Á khuây dịu lòng Liêm. Khi các xe ăn đến bên bàn, Marcus thành thạo chọn và từ chối các món bằng tiếng Quảng Ðông, rồi giải thích bằng tiếng Anh cho Liêm những món tỉm sắm xếp đầy trước mặt họ, trông thật hấp dẫn, gồm síu mại, bánh hấp nhân thịt keo xay và hành, cải làn cọng dài, thịt heo quay chặt miếng, với những miếng da giòn tẩm mật màu hạt dưa. “Parrish không động đến món này,” Marcus nói vẻ tán thưởng khi thấy Liêm gặm hết da chân gà, chỉ chừa lại trơ xương.

Sau khi phục vụ bàn đã dọn sạch chén đĩa, họ ngồi lặng lẽ với ấm trà cúc ở giữa. Liêm xoay tách trà theo vòng vết mỡ trên khăn bàn rồi hỏi Marcus về gia đình anh ta, điều Marcus chưa từng thảo luận trước mặt anh. Tất cả những gì Liêm biết về Marcus là anh ta sống ở Hồng Kông đến năm mười tám tuổi, sau đó theo học ngành quản trị kinh doanh tại trường Ðại học San Francisco, nhưng rất ít khi đến lớp, và anh ta say mê đi tập thể dục tại phòng tập. Cha anh ta, Marcus nói với một giọng khinh bỉ, là quản trị một hãng cao su. Ông nghĩ tốt nhất là gửi con trai đi học ở nước ngoài, rồi trở về với một tấm bằng ngoại quốc để tham gia vào điều hành kinh doanh. Kế hoạch này bị hủy hoại khi một người tình cũ đáng ghê tởm của Marcus gửi cho cha anh ta một lá thư tình do con trai ông viết, với những tấm hình thành thực (“những tấm hình hết sức thành thực,” Marcus lẩm bẩm mơ hồ). Sau đó, cha anh ta từ bỏ anh ta, và giờ thì Parrish thanh toán mọi chi phí cho anh ta.

“Cậu có tưởng tượng ra được điều gì tồi tệ hơn thế không?” Marcus hỏi.

Liêm không chắc Marcus muốn nói đến sự phản bội tình yêu, kế hoạch của người cha, hay tiền của Parrish. Ðiều anh thực sự muốn biết là “thành thực” có nghĩa gì, nhưng khi Marcus đang nhấp trà, có vẻ không chờ câu trả lời, thì Liêm lại kể về chính gia đình anh. Tất cả đều làm ruộng, bán hàng rong và đi quân dịch. Chẳng có anh hùng nào cả, chẳng ai đi đâu xa khỏi Long Xuyên trừ trường hợp bị động viên đi quân dịch, khiến anh trở thành nhà thám hiểm đầu tiên trong gia đình. Có lẽ điều đó giải thích thái độ lo lắng quá mức của cha mẹ anh ở bến xe đò Long Xuyên, một trong vài khoảng khắc quá khứ mà anh còn nhớ rõ, với hình ảnh một khoảng đất và nền xi măng không bóng râm chật cứng người ôm những thùng hàng buộc dây, cùng những lồng gà và heo. Sức nóng và bụi cuộn lên, mang theo hơi mồ hôi người và phân gia súc nồng nặc, khiến lỗ mũi anh đặc quánh lại. Cha anh nhét vào túi anh một cuộn tiền nhỏ và nói vào ngực anh, vì ông không thể nhìn vào mắt anh bằng cặp mắt xám đục vì bệnh đục thủy tinh thể của mình. “Gia đình nhờ ở con,” cha anh nói. “Cha mẹ đã nuôi con khôn lớn, vì vậy cha biết con sẽ không đánh mất mình nơi thành phố.” Mẹ anh nói rất ít, chỉ vuốt dọc tay anh và vỗ vào ngực anh như thể lục tìm gì. Rồi bà ôm chặt tay anh và chỉ nhìn vào đó. Những nếp nhăn sâu quanh khuôn miệng lúc nào cũng nhăn nhúm của bà dường như những sợi chỉ khâu chặt môi bà lại. Anh đã không nói anh yêu họ, và lý do duy nhất giờ đây anh có thể viện ra là do anh cuống cuồng leo lên xe buýt, vì nếu không có chỗ ngồi, anh sẽ phải đứng chen vai giữa xe hoặc mạo hiểm ngồi trên nóc suốt dọc đường đi cho tới Sài Gòn.

“Làm thế nào mà cậu biết được điều gì sẽ xảy ra?” Marcus ngả mình về phía trước và hỏi. “Cậu không phải là thầy bói. Dầu sao đi nữa, mọi việc đều đã thuộc quá khứ. Cậu không thể tiếp tục đào bới mãi. Cách tốt nhất để giúp họ bây giờ là giúp chính bản thân cậu.”

“Ừ”

“Vấn đề là, cậu muốn trở thành gì?”

“Trở thành gì ư?”

“Trong tương lai ấy. Câu muốn làm gì với bản thân cậu.”

Chưa ai hỏi Liêm câu ấy bao giờ, bởi vì ở Long Xuyên, rồi ở Sài Gòn, có rất ít cơ hội cho một cậu bé nghèo. Ngoài việc quét dọn tiệm ba hoặc làm bồi phòng cho Mỹ, anh có thể trở thành một người lính, một tên ăn trộm, một kẻ ma cô, một gã ăn xin, một người lao động, một anh đạp xích lô, hoặc nếu may mắn, thành người hầu cho một ông chủ giàu có, và kết quả của những niềm mong đợi thấp như vậy là, ngay cả bây giờ và ở đây, nhìn tương lai vượt qua công việc ở tiệm bán rượu và tạp hóa với anh cũng không dễ. Ý tưởng nếu anh nói muốn trở thành một bác sĩ, luật sư hay cảnh sát có vẻ hết sức nực cười; nhưng Marcus đang chờ câu trả lời của anh; một khao khát muốn trở nên cao quí trong mắt của Marcus, và có lẽ trong mắt của chính mình, chiếm lấy anh. Anh nói, “Tôi muốn trở thành tốt.”

“À.” Marcus liếc giấy tính tiền. “Ai mà chẳng muốn vậy.”

Ngày hôm sau, tại tiệm bán rượu và tạp hóa, Liêm đếm từng giây theo nhịp chổi quét và chuông máy tính tiền. Ca làm việc với anh dường như không bao giờ chấm dứt, trong khi chỉ mới hôm qua thôi, anh đã ao ước ngày kéo dài vô tận. Khi thanh toán tiền cho bữa tỉm sắm, anh gần như phải vật Marcus xuống vì họ tranh nhau trả tiền. Sau đó họ cùng nhau đi dạo, ngắm các tủ kính đồ dọc các phố trong Khu phố Tàu, rồi lái ra Ðảo Treasure ngắm Cầu Cổng Vàng; đến chiều, họ chui vào một rạp xinê ở đường Market xem phim Bay trên tổ chim cúc cu và ngồi bên nhau, gối kề gối. Họ ăn sushi tại một tiệm ăn Nhật trên đường Kearney trong khu Tiểu Ðông Kinh. Cả hai không đả động gì đến sự đụng chạm đó, mà bàn về Jack Nicholson, người mà Liêm chưa hề xem phim, về Tây âu, nơi Liêm chưa hề đến, và về các loại sushi, những món mà trước đây Liêm chưa từng ăn; tóm lại, Marcus nói và Liêm không lấy đó làm vấn đề. Liêm thấy trò chuyện với Marcus thật dễ dàng; tất cả những gì Liêm phải làm là đặt câu hỏi. Tuy vậy, Marcus hầu như không hỏi Liêm câu nào, và có những lúc trong ngày, khi Liêm không nghĩ ra được điều gì để hỏi, đã có những khoảng im lặng không lấy gì làm thoải mái. Cả hai không nhắc đến Parrish, ngay cả khi về đến căn nhà kiểu Victoria và Marcus mở một chai vang đỏ từ tủ rượu của Parrish, chai pinot noir, chế tại vùng Napa Valley. Chưa từng uống rượu vang bao giờ, sáng hôm sau Liêm tỉnh giấc với cảm giác như bị cái mở nút chai khoan xuyên qua đầu. Anh hầu như không bò dậy nổi khỏi giường để vào nhà tắm. Trong khi đánh răng, anh lờ mờ nhớ lại rằng Marcus đã dìu anh lên gác, đắp chăn cho anh và hôn lên má anh. Không thấy Marcus trước khi đi làm, anh cho là Marcus đã ngủ nướng.

Khi trở về căn nhà Victoria vào buổi tối, anh thấy Marcus đang ngồi xem ti vi trong phòng khách. “Hôm nay có một lá thư gửi đến cho cậu,” Marcus nói, tay bấm điểu khiển từ xa tắt ti vi và chỉ vào bàn uống nước, nơi có một lá thư màu xanh nhàu nát, với những vạch chéo đỏ và trắng nơi mép rìa phong bì. Những nét chữ viết tay không lẫn vào đâu được, với nét bút nhấn mạnh đến mức gần như xuyên qua bao thư, mỏng đến mức chỉ có thể có một tờ thư trong đó. Cha anh đã trả lời lá thư đầu tiên của anh, vì thư được gửi đến Trại Pendleton, Khu 35, lều 27B, và đã được nhân viên tái định cư ở San Diego chuyển tiếp đến cho anh.

“Cậu có định mở thư không đấy?” Marcus hỏi.

“Không,” anh lẩm bẩm, xoa xoa bao thư giữa những ngón tay, không giải thích nổi rằng, dù thư mang tới bất cứ tin gì, một khi anh đã mở, anh không thể giả đò như chưa đọc. Anh đã sợ lá thư này tới nơi cũng nhiều hệt bằng việc anh mong chờ nó tới nơi, vì một khi anh mở thư, cuộc đời của anh sẽ lại thay đổi, và có thể anh muốn nó vẫn như cũ. Thu hết ý chí, anh đặt lá thư xuống bàn và ngồi xuống ghế nệm cạnh Marcus. Họ cùng nhau nhìn chăm chăm vào bao thư xanh, như thể nó là một bức thư nặc danh, nhét qua khe cửa nhà một người ngoại tình.

“Họ nghĩ là chúng ta bị nhiễm bệnh tây,” Marcus nói. “Cha tôi nói vậy.”

“Chúng ta ư?” Liêm nói. “Bệnh tây nào?”

“Ðừng nghĩ là tôi không biết.”

Liêm tránh ánh mắt của Marcus bằng cách xem xét bức thư. Anh có cảm giác mình biết chính xác điều gì trong đó, vì cha anh hẳn cũng đã thận trọng y như anh, không viết gì ngoài những điều cần viết. Kiếm tiền và gửi về nhà, giữ gìn sức khỏe và tốt, đó hẳn là những thông điệp được nhấn mạnh và lặp lại một lần nữa, để anh phải tự đoán điều gì quá nguy hiểm, không thể nói trắng ra được. Ngôn ngữ trong thư hẳn sẽ rất đơn giản, vì cha anh cũng không hề được giáo dục cao hơn anh. Nhưng cha anh không bao giờ đi tìm từ mới, còn anh thì ngược lại. Anh ngước nhìn Marcus và hỏi cái câu mà anh muốn hỏi từ hôm trước.

“Thành thực có nghĩa là gì?”

“Thành thực ư?” Marcus nói. “À, ừ. Thành thực. Có nghĩa là tình cờ bắt gặp, giống như trong ảnh hoặc trong phim, khi ai đó chụp ảnh mà ta không để ý. Hoặc cũng có nghĩa là một người ngay thẳng. Một người trung thực và thẳng thắn.”

Liêm hít một hơi thở dài. “Tôi muốn thành người thành thực.”

“Tôi muốn trở thành người thành thực.”

“Im,” Liêm nói, tay đặt lên đầu gối Marcus. Khi Marcus đặt tay lên tay anh, chạm vào làn da mềm mại của Marcus khiến anh tự hỏi không biết Marcus thậm chí có thể cảm thấy bằng đôi tay không lao động của mình hơn là anh với đôi tay chai cứng không; thế giới chưa bao giờ có vẻ không công bằng đến như vậy vào chính khoảnh khắc ấy. Không hề biết những suy nghĩ của Liêm, Marcus nâng tay anh lên miệng anh ta, như thể anh ta sắp hôn những đầu ngón tay anh. Liêm nắm chặt tay Marcus trong tay mình, rồi lật ngửa chúng lên. Trông chúng cũng mềm mại như anh sờ thấy, không hề có một đường da trắng khô nào, và khi Liêm lướt luỡi trên lòng bàn tay ấy, anh nếm được một chút xíu vị mặn của muối và chỉ có vậy. Thế là đủ.

Sau đó, anh cảm thấy mọi sự không diễn ra trơn chu. Trước hết, quần áo họ cởi ra không êm thấm như anh tưởng, khuy cài và dây kéo bỗng nhiên trở nên nhỏ lại, và ngón tay anh trở nên to lớn và vụng về hơn. Nhịp điệu của anh cũng không đều. Ðôi lúc, vì quá hăm hở, anh cử động quá nhanh, và để bù đắp lại, vì xấu hổ, anh lại cử động quá chậm, khiến họ mất nhịp và khiến anh phải xin lỗi luôn, lúc thì vì cùi trỏ, lúc lại vì đầu gối, đến lúc Marcus phải nói, “Vì chúa, cậu đừng xin lỗi nữa, mà hãy hưởng thụ đi.” Thế là anh cố gắng thư giãn và thả lỏng cơ thể cho kinh nghiệm; lúc sau, khi anh nằm, tay vắt ngang qua người Marcus, nhìn lưng anh ta, anh không hề ngạc nhiên khi thấy mình nhớ được rất ít. Thói quen cố quên đã ăn sâu nơi anh, như thể anh qua đời mình, vĩnh viễn đi ngược qua sa mạc và xóa đi những dấu chân, chỉ sót lại những hồi tưởng rải rác về một đôi môi gắn vào môi anh, về cảm giác dễ chịu đáng yêu từ sức nặng của một người đàn ông, và trên cả, cái cảm giác nếu khi đó anh là một kẻ tị nạn thì đây là chốn cư ngụ của anh, anh đã tìm được từ nơi thân thể và vòng tay của một người đàn ông khác.

“Tôi yêu anh,” anh nói.

Marcus không quay lại, không nhìn qua vai, cũng không nói “Tôi yêu cậu” để đáp lại, và thực ra chẳng nói gì cả, như thể anh ta bước vào một bữa tiệc bất ngờ dành cho anh ta và sau đó hồn nhiên bước ra. Tiếng tíc tắc từ chiếc đồng hồ cổ do ông của Parrish để lại nghe mỗi lúc một to thêm theo từng giây, và đến khi nghe rõ cả tiếng mưa rơi trên mái, sự trần truồng của Liêm làm anh hổ thẹn. Anh lóng ngóng ngượng ngập với chiếc quần lót khi Marcus với tay về phía sau, nắm lấy cổ tay anh và cầm lấy nó trong khoảng thời gian có thể đếm được đến mười, rồi quay lại. “Cậu chờ một chút được không?” anh ta nói, một chân choàng qua người Liêm. Khi Liêm không trả lời, Marcus nói, “Cậu có nghĩ là mình đang phản ứng thái quá không?”

“Thái quá về gì?” Liêm chăm chú nhìn vào một nốt ruồi nơi xương đòn của Marcus.

“Phản ứng thái quá. Về điều này. Sớm muộn gì rồi cậu cũng sẽ nhận ra tình yêu chỉ là phản ứng nội tâm của một số người mà thôi. Cậu chỉ bị bất ngờ, đơn giản là vậy.” Marcus chạm vào tay Liêm. “Một tuần sau, cậu sẽ thậm chí không biết tại sao cậu nói với tôi như vậy.”

“Ô-kê. Chắc vậy.”

“Cậu có biết còn điều gì đang chờ cậu trong tương lai không?”

“Không. Ðừng – đừng cho tôi biết.”

“Một năm nữa thôi, chính cậu sẽ nghe những người đàn ông khác nói họ yêu cậu,” Marcus nói. “Họ sẽ nói rằng cậu quá xinh trai để sống đơn độc.”

“Ha,” anh nói, nhưng anh để Marcus kéo anh lại gần. Khi Marcus hỏi anh có hối hận về những gì họ đã làm không, anh nói “Không,” và đó là sự thật. Họ nằm ôm nhau trong khi mưa tiếp tục rơi. Bên ngoài, một chiếc xe hơi bấm còi liên tiếp. Con phố hẹp trước cửa nhà có lẽ đã bị ai đậu xe chắn ngang đường. Anh nghĩ Marcus đã ngủ, cho đến khi Marcus cựa mình và hỏi, “Cậu có định đọc thư không đấy?”

Hóa ra anh ta chưa quên lá thư. “Tôi không bao giờ đọc cho anh đâu.”

“Tôi sẽ không bao giờ đọc cho anh đâu. Thì tương lai.”

“Tôi sẽ không đọc thư cho anh.”

“Bây giờ thì đến cậu chấp nhặt. Thế thì đừng đọc cho tôi nghe.”

“Nhưng tôi sẽ đọc anh nghe tôi sẽ viết gì.”

“Chỉ khi cậu muốn vậy,” Marcus vừa nói vừa ngáp.

Giọng văn, anh ta nói, cũng quan trọng như nội dung. Lá thư anh viết phải tả về một thành phố hấp dẫn lạ thường, với một cái tên Tây Ban Nha, nổi tiếng bởi xe dây cáp, Ðảo Alcatraz và Cầu Cổng Vàng. Sau khi kể về những địa điểm du lịch, anh kể về việc sống ở một thành phố mà thậm chí những người không phải là người châu Á cũng biết Tết trung thu thì buồn cười thế nào, rồi ở phố Tàu, có cơ man nào là người ăn mừng Tết âm lịch ra sao. Anh ném pháo dưới chân con lân đang múa và hi vọng gia đình cũng đang làm như vậy; khi anh giẫm lên xác pháo hồng, tiếng sột soạt dưới chân khiến anh nhớ nhà, nghĩ đến gia đình, và biết rằng nếu anh quên kể về những người xếp hàng dài ở tiệm rượu hay những tia phóng xạ trong các sa mạc Mỹ, mọi người cũng sẽ tha lỗi cho anh. Ðừng lo cho con, anh viết cuối thư. Con đang làm việc chăm chỉ để kiếm tiền. Thậm chí con còn có bạn. Và chúng con ở một ngôi nhà màu hoa cà.

Khi anh nghe hơi thở nhẹ nhàng của Marcus và nhận thấy Marcus đang trôi tuột khỏi anh theo từng nhịp thở, anh không thể ngăn mình. Anh cần biết một điều trước khi để Marcus đi. “Cho tôi biết,” anh nói và hi vọng giọng mình nghe không đến nỗi quá tuyệt vọng. Marcus chớp và mở mắt ra. “Tôi có tốt không?”

Một làn nước táp nhẹ lên cửa sổ. Ðêm thứ Sáu trời mưa.

“Có.” Marcus lại nhắm mắt lại. “Cậu rất tốt.”

Ít nhất anh có thể viết chừng đó trong thư gửi về nhà.

Sau khi Marcus đã ngủ, Liêm chui ra khỏi giường và vào phòng vệ sinh. Anh lau sạch người rồi đi tắm. Anh mặc quần dài vào. Khi đang chải đầu, anh nghe chuông điện thoại trong phòng khách kêu reng. Anh lao dọc hành lang và nhấc kịp sau hồi chuông thứ năm. “Tớ chỉ muốn xem các cậu thế nào,” Parrish nói to và vui nhộn, có vẻ như mới đi uống về. “Tốt đẹp cả,” Liêm nói. Anh nhìn lá thư nằm trên bàn nước, nơi anh để nó đó. “Chẳng có gì đặc biệt cả.” Anh không thích nói chuyện qua điện thoại, khi ngôn ngữ cơ thể chẳng giúp người khác hiểu anh hơn, và anh nói ngắn gọn. Parrish có vẻ không lưu tâm đến điều đó và chào tạm biệt, cũng vui vẻ hệt như lúc mới gọi. Liêm gác điện thoại và ngồi xuống ghế nệm. Anh thận trọng bóc thư; khi mở tờ giấy mỏng dính, đục mờ, anh lại một lần nữa nhận ra nét chữ cha anh, vừa tháu vừa vụng, anh phải đánh vật để hiểu cũng như cha anh phải đánh vật khi viết.

Con trai thương yêu, nhà nhận được thư con hôm qua. Ai cũng vui là con còn sống và khỏe mạnh. Cả nhà đều khỏe. Tin lớn ở bên này là hồi tháng Sáu các chú bác và anh em họ của con được đi cải tạo cùng những người đi lính khác. Tội ác của họ đã được tha thứ. Họ nói tất cả chúng ta nên lao động cật lực cho tương lai và vững lòng tin vào Ðảng, vì giờ đây Mỹ ngụy đã bị đánh bại, miền Nam đã được giải phóng và đất nước đã thống nhất, không còn người thua kẻ thắng nữa. Chỉ có người Việt mà thôi! Các chú bác của con tin Ðảng và đã hiến nhà cho cách mạng. Các cán bộ cho dân biết mọi việc sẽ sớm được cải thiện và ta sẽ có việc làm. Họ nói chúng ta phải cùng nhau xóa bỏ quá khứ và xây dựng lại đất nước vinh quang! Nhưng nếu bây giờ con có thể gửi tiền thì được đồng nào tốt đồng nấy.

Cuộc sống vẫn tiếp tục. Anh họ Khanh con lấy vợ hồi tháng Sáu và vợ nó đã có bầu được năm tháng rồi. Nó vẫn dê cụ như trước! Khi nào con rảnh, nhớ gửi tin cho nhà. Mỹ còn tội lỗi hơn Sài Gòn, vì vậy con nhớ phải tốt. Như các cán bộ nói, người cách mạng phải sống văn minh, mạnh khỏe và đứng đắn! Ở đây ai cũng nhớ con và thường nghĩ về con. Má bảo con phải chăm sóc bản thân và ba cũng vậy. Ba của con.

Sau khi đọc xong lần thứ hai, anh gấp lá thư và nhét lại vào bao thư. Nó nằm trơ trên bàn nước. Anh bồn chồn đứng dậy, bước về phía cửa sổ kính vòng, nhìn xuống phố và hai bên đường, vào giờ này ban đêm rất vắng lặng. Ánh đèn trong phòng biến cửa sổ thành một tấm gương, hắt bóng anh xuống cảnh vật bên ngoài. Khi anh giơ tay lên, bóng anh cũng giơ tay; khi anh sờ mặt mình, bóng anh cũng làm như vậy; và khi anh miết theo những đường vòng trên má và quanh quai hàm, cái bóng làm y như thế. Vậy thì tại sao anh không nhận ra chính mình? Tại sao anh lại nhìn xuyên ngay qua chính mình và vào phố đêm đen bên ngoài?

Những giọt mưa trên kính điểm lốm đốm bóng gương mặt anh. Anh đứng vài phút bên cửa sổ ngoằn ngoèo nước cho đến khi nhìn thấy dấu hiệu của sự sống. Hai người đàn ông rảo bước xuống phố, vai họ đôi khi chạm vào nhau, tay đút sâu trong túi áo khoác. Ðầu họ cúi thấp để tránh mưa, nghiêng nghiêng về phía nhau để nghe xem người kia nói gì. Mặc dù họ bị mưa ướt, vẫn có điều gì đó gần như là hạnh phúc trong cách họ bước đi, như thể họ vui sướng được ở ngoài đường, trong không khí ẩm ướt và lạnh lẽo. Ðã có thời anh hẳn sẽ nghĩ họ chỉ là hai người bạn mà thôi. Giờ thì anh nghĩ họ rất có thể là tình nhân.

Khi họ đi qua dưới ngọn đèn đường, một người nói điều gì đó khiến người kia phá lên cười, đầu hơi ngửa về phía sau, khiến gương mặt không có gì đặc biệt của anh ta được soi sáng trong giây lát. Ánh mắt của anh ta bắt gặp Liêm trong khoảnh khắc đó. Liêm nhận ra rằng ánh đèn trong phòng khách chiếu qua cửa sổ sẽ làm người dưới phố dễ dàng thấy anh. Anh tự hỏi không hiểu dáng vẻ mình thuộc kiểu nào, một gã trai ngực trần tóc bóng, tay chống nạnh, vì người đàn ông kia bỗng giơ tay như thể vẫy chào anh. Người bạn đồng hành của anh ta cũng nhìn lên cửa sổ. Liêm vẫy tay đáp lại; trong giờ khắc ấy, chỉ có ba người bọn họ chia hưởng một trong những giây phút phù du của tình bằng hữu thường xảy ra giữa những người xa lạ nơi một thành phố lớn. Rồi họ đi qua. Rất lâu sau khi họ đã biến vào bóng đêm, anh vẫn còn đứng chống tay lên cửa sổ, lặng nhìn màn đêm và tự hỏi không biết liệu có ai, nấp sau cửa chớp và rèm vải, cũng đang xem.

Share

More Short Stories